Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Bộ; lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Nghị quyết số 36-NQ/TW được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 22 tháng 10 năm 2018, Nghị quyết với mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; hình thành văn hoá sinh thái biển; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Và tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, thịnh vượng, an ninh, phát triển bền vững; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Phó Tổng cục trưởng Vũ Sĩ Tuấn báo cáo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Vũ Sĩ Tuấn đã báo cáo tóm tắt khung nội dung Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-TW. Nội dung chính của kế hoạch nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu và định hướng chiến lược của Nghị quyết. Cùng với đó, kế hoạch này cũng xác định rõ các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên, có lộ trình và phân công cụ thể. Tăng cường năng lực, vai trò quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế điều phối liên ngành trong quản lý nhà nước về biển, đảo. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển có liên quan; hoàn thiện đồng bộ các văn bản dưới luật, cơ chế, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với tình hình và điều kiện của mỗi vùng, miền, địa phương; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện.
Trong đó, bao gồm các nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; Phát triển kinh tế biển; Phát triển kinh tế các vùng biển và ven biển; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững, đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển, hải đảo; Phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; Tăng cường năng lực bảo đảm an quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển; Tuyên truyền, giáo dục phổ biến thông tin về biển, đảo; và Quản lý nhà nước đối với các vấn đề liên quan đến biển.
Theo kế hoạch, Tổng cục sẽ tập trung phổ biến, quán triệt nội dung thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW cho các tỉnh, thành phố tại 3 vùng Bắc, Trung, Nam; hội thảo, lấy ý kiến các cơ quan liên quan; điều tra, thu thập tổng hợp thông tin phục vụ xây dựng và trình phê duyệt Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Thông qua cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ; Tổng cục đã cùng trao đổi, bàn bạc nhằm thống nhất các nội dung của kế hoạch triển khai cũng như phương án huy động nguồn lực đảm bảo thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh: Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là chủ trương lớn, có tầm nhìn xa rộng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từng bước đưa nước ta mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Vì vậy, Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam cần phải tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng tốt kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết này (đến năm 2025). Đồng thời, cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để triển khai xây dựng kế hoạch đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Song song với đó, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục tiến hành rà soát lại các nhiệm vụ mang tính cấp thiết tại Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 10/12/2015 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 27/2007NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; bổ sung một số nội dung mới về phát triển khoa học, công nghệ biển trong cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển kinh tế xanh hướng ra biển.
Đối với các ý kiến đề xuất của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo Tổng cục cần khẩn trương trình Bộ trưởng đề xuất nhiệm vụ mở mới 2018 về xây dựng Kế hoạch tổng thể, kế hoạch 5 năm (đến năm 2025) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thứ trưởng nhấn mạnh: việc xây dựng Kế hoạch phải bám sát các nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao, nhất là đối với các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết, trên cơ sở đó phấn đấu cuối tháng 3/2019 trình Bộ trưởng để trình Chính phủ ban hành./.
Theo vasi.gov.vn